Được đồng nghiệp rủ tham gia cùng, Trúc Anh tìm cách can ngăn nhưng mọi lời khuyên đều không “lọt tai” người bạn đang là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến mà chẳng hay biết.
Trúc Anh – nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội chia sẻ câu chuyện về người bạn làm cùng lĩnh vực vừa mất số tiền lớn vì sập bẫy những kẻ lừa đảo trực tuyến. Bạn chị chỉ sau ít ngày đã mất số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, dù ban đầu luôn tỏ ra tỉnh táo và khẳng định chắn chắn sẽ không nạp tiền để tránh bị kẻ gian lợi dụng.
“Nếu gặp mặt trực tiếp thì tôi còn nghĩ người ta bỏ bùa mê hay thôi miên bạn mình, nhưng đằng này chỉ trò chuyện qua mạng mà vẫn răm rắp làm theo lời họ thì không thể giải thích nổi”, Trúc Anh chia sẻ. Chị cho biết ngay sau khi được người bạn gợi ý tham gia cùng đã từ chối, đồng thời can ngăn nhưng bất thành. Nữ nhân viên ngành truyền thông còn nhờ thêm vài người bạn để giúp đồng nghiệp mình “tỉnh mộng làm giàu nhanh” vẫn không tránh được kết cục nhìn bạn mình bị lừa số tiền lớn.
Theo đó, người bạn tham gia vào nhóm đánh giá ứng dụng cho một “đơn vị nước ngoài không có pháp nhân tại Việt Nam”, chỉ ngồi làm trực tuyến nhưng được trả thu nhập lên tới 500.000 đồng – 1 triệu đồng mỗi ngày. Số tiền có thể tăng lên tùy theo mức nạp thêm vào để “tăng cấp”. Vì lợi nhuận thu về cao trong thời gian ngắn, nạn nhân bị cuốn theo kịch bản và làm theo lời kẻ lừa đảo, kích thích nạp tiền để “tăng lượng ứng dụng được đánh giá cũng như giá trị được trả, từ đó nâng thu nhập lên mức cao hơn”.
Tuy nhiên, chỉ sau vài lần nâng hạng, những kẻ lừa đảo nhanh chóng biến mất cùng toàn bộ số tiền nạn nhân đã chuyển khoản cho chúng.
Lưu Hồng, chuyên viên hành chính nhân sự cho một doanh nghiệp tài chính ở Hà Nội cũng ở vào tình huống tương tự khi người bạn làm cùng rủ cô cùng đánh giá website, ứng dụng để lấy tiền hoa hồng. Hồng cũng từ chối ngay vì tin rằng “chẳng có gì là miễn phí, việc nhẹ lương cao”.
Hay mới đây, trên mạng xã hội cũng chia sẻ về trường hợp một nạn nhân hoảng loạn khi bị lừa số tiền lên tới hơn 800 triệu đồng. “Em bị lừa hết tiền rồi, không còn gì cả. Chỉ trong hai hôm mà em trắng tay. Giờ em không biết phải làm sao nữa”, nạn nhân tên Hạnh cầu cứu bạn mình. Trước đó, chị tham gia vào một nhóm trên mạng xã hội để kiếm tiền trực tuyến và vay mượn nhiều người thân mỗi khi các đối tượng lấy lý do kẹt tiền, sai mật khẩu, sai cú pháp… để yêu cầu chị nạp thêm vào tài khoản nhằm rút được số tiền đã đóng trước đó.
Theo một chuyên gia công nghệ, trường hợp như trên là một trong những biến tướng của các trò lừa đảo trực tuyến mà người dùng từng biết đến. Phổ biến như trò mạo danh sàn thương mại điện tử để tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng rồi trả hoa hồng cao, tuyển người làm bán thời gian để tăng doanh số cho nhãn hàng…
“Dù bắt đầu bằng hình thức nào, các trò lừa đảo trực tuyến này vẫn dựa trên tâm lý ham việc nhẹ lương cao, muốn tăng thu nhập nhanh chóng của đại bộ phận người dùng. Kịch bản thường thấy là chúng tạo một nhóm chat gồm các nạn nhân và rất nhiều đồng phạm trà trộn trong đó, đóng vai ‘chim mồi’ để khoe tiền thưởng, thậm chí lân la nhắn tin riêng với nạn nhân để tạo lòng tin. Sau vài lần để người dùng hưởng thu nhập hấp dẫn, chúng bắt đầu đưa ra nhiều lý do, biến thể kịch bản để nạn nhân nạp tiền vào và cuối cùng không thể rút được ra”, vị chuyên gia tổng kết.
Một chuyên gia bảo mật thuộc dự án Chống lừa đảo nhận định nạn nhân trong các vụ lừa đảo trực tuyến thường có tâm lý ngại trình báo cơ quan chức năng vì nhiều lý do cá nhân khác nhau. Bên cạnh đó là tư duy “bỏ qua cho yên chuyện”, hoặc cũng có thể nạn nhân không biết các thủ tục trình báo với cơ quan chức năng.
Không chỉ tấn công vào tâm lý ham “việc nhẹ lương cao”, kẻ gian còn liên tục thay đổi phương thức hoạt động, tiếp tục “bào tiền” những người nhẹ dạ cả tin khi vào vai luật sư, tư vấn viên hay các đơn vị hỗ trợ lấy lại số tiền đã mất và yêu cầu thanh toán trước một phần số tiền đã bị lừa. Nhưng thực tế khổ chủ còn mất thêm một số tiền nữa.
Trong nhiều trường hợp lừa đảo trực tuyến, cơ hội lấy lại số tiền đã mất là rất thấp. Do vậy, theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), người dân phải trang bị các kiến thức cần thiết để tự phòng tránh, không “sập bẫy” lừa đảo trực tuyến. Năm 2022, cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn) đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến được báo cáo trên cả nước. Trong đó, các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài chính (tiền và các loại tài sản khác) chiếm đa phần khi có tới 75,6% số vụ bị phát hiện thuộc dạng này.
+ There are no comments
Add yours