Kẻ gian sử dụng công cụ tạo ra những hóa đơn chuyển khoản giả mạo các ngân hàng trong nước để chiếm đoạt tài sản trong giao dịch mua sắm.
Giao dịch chuyển khoản thông qua ngân hàng ngày càng phổ biến khi người dân có xu hướng tiêu dùng không tiền mặt và có nhiều lựa chọn thanh toán. Tuy nhiên, thời gian gần đây kẻ gian liên tục lợi dụng công nghệ để biến tướng các chiêu trò nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng bất cẩn.
Giao dịch đáng ngờ
Cô Phùng Thảo, chủ hộ kinh doanh cá thể tại Thanh Hóa cho biết mới đây cửa hàng của mình xuất hiện một số trường hợp khách đưa màn hình chuyển khoản có xác nhận đã thành công để lấy hàng nhưng lại không nhận được thông báo số dư và cũng không nhận được tiền. Người này sau đó giục giao hàng để đi “vì có việc gấp” nên cô sinh nghi và nhất định chỉ giao đồ khi có tiền vào tài khoản.
“Họ đưa màn hình giao dịch đúng thông tin số tài khoản, người nhận, số tiền và báo đã thành công nhưng tôi không nhận được số dư. Họ nói có thể do cuối tuần hoặc giao dịch ngoài giờ hành chính nên tiền đến muộn rồi đề nghị đưa hàng để đi vì đang vội”, cô Thảo nói. Do trước đó từng được con dặn kỹ về một số mánh khóe lừa đảo trên mạng nên cô không đồng ý giao đồ cho khách. “Sau đó họ bỏ đi và tỏ thái độ không hài lòng”, người chủ cửa hàng cho biết thêm.
Anh Ngô Việt (Hà Nội) kinh doanh mô hình đồ chơi cũng không ít lần gặp khách “chuyển khoản nhưng mãi không thấy tiền về ngân hàng”. Việt cho biết phần nhiều trường hợp là khách mua qua mạng, đồng ý thanh toán trước rồi gửi ảnh chụp màn hình đã thanh toán thành công, sau đó yêu cầu giao hàng luôn. Tuy nhiên anh cũng chỉ đồng ý giao hàng đi sau khi đã có xác nhận thay đổi số dư trong tài khoản.
“Tôi dặn nhân viên mỗi khi khách chuyển khoản đều phải báo lại để kiểm tra, có xác nhận của tôi mới được giao hàng đi, vừa đảm bảo không mất mát cho mình, lại tránh trường hợp bị phạt trừ vào lương vì làm sai quy định. Có vài người đến mua tại cửa hàng vào tầm chiều muộn, tối hoặc ngày cuối tuần, khi chuyển khoản nói tiền có thể chậm do khác ngân hàng hay ngoài giờ hành chính. Nhưng giờ đa phần giờ ngân hàng có chuyển tiền nhanh, đâu phải như chục năm trước mà nêu lý do trên”, anh Việt nói.
Những người kinh doanh như cô Thảo hay anh Việt nhờ cảnh giác nên chưa rơi vào bẫy của kẻ gian hòng chiếm đoạt tài sản bằng cách làm giả giao diện chuyển khoản ngân hàng. Nhưng đã có một số trường hợp do nhân viên cửa hàng hay chủ shop bất cẩn, chủ quan và tin tưởng vào ảnh chụp màn hình khách đưa mà đã mất tiền triệu trong các giao dịch.
Công khai làm giả hóa đơn chuyển khoản
Làm giả màn hình chuyển tiền ngân hàng không phải chiêu mới, nhưng đã biến tướng tinh vi hơn và có sự trợ giúp của công cụ trực tuyến. Nếu như trước đây kẻ gian phải sử dụng phần mềm chỉnh sửa hình ảnh để thay đổi nội dung có trên hóa đơn thì giờ chúng có thể tạo dễ dàng thông qua các website, nhóm cung cấp dịch vụ này.
Khi tìm với từ khóa liên quan đến hóa đơn chuyển khoản trên Google, hàng loạt kết quả hiện ra dạy và cung cấp cách để người dùng “tạo bill” ngân hàng. Đáng nói, các website này đều có nội dung nhận thức được việc tạo bill giao dịch là trái pháp luật, nhưng vẫn tiếp tục hướng dẫn người đọc làm điều phi pháp.
Trên một website chuyên làm giả bill ngân hàng, người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản (miễn phí) để sử dụng hàng loạt dịch vụ như tạo màn hình chuyển khoản, màn hình số dư, biến động số dư… Các tác vụ này yêu cầu phải thanh toán cho kẻ đứng sau website từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng cho mỗi kết quả. Trong đó giá tạo bill chuyển khoản là 100.000 đồng, người có nhu cầu chỉ cần chọn giao diện ngân hàng mong muốn, cung cấp các thông tin muốn hiển thị như tên, số tài khoản người gửi/nhận, số tiền, nội dung chuyển khoản, thời gian giao dịch…
Chúng còn tinh vi đến mức cho lựa chọn các tiểu tiết như ảnh chụp màn hình của iOS hay Android, tùy chọn dung lượng pin hiển thị trên ảnh, số vạch sóng…
Theo thông báo từ một website hiếm hoi đã xóa đi các bước hướng dẫn (nhưng vẫn để lại đa phần nội dung khác), ban đầu dịch vụ này để cung cấp cho những người “thích sống ảo”, chuyên khoe doanh số bán hàng hay tiền được tặng lên mạng để “câu Like”, nhưng sau đó bị lợi dụng cho mục đích lừa đảo.
Nhiều trường hợp đã bị phát giác
Khi trò lừa bắt đầu được nhiều kẻ áp dụng thì cũng có các trường hợp bị phát hiện. Theo website của công an Thanh Hóa, cơ quan này đã bắt được 2 người sử dụng chiêu giả mạo hóa đơn chuyển khoản ngân hàng để lừa cửa hàng tại địa phương vào đầu năm nay.
Trong tháng này, công an Hải Dương cũng phát đi cảnh báo về thủ đoạn tương tự sau khi phá được đường dây chuyên thực hiện hành vi trên. Nhóm phân chia nhiệm vụ cho một người vào vai khách hàng nhưng không đem tiền mặt, kẻ khác ở nhà để làm giả màn hình chuyển tiền. Đối tượng chúng nhắm đến là chủ cửa hàng trẻ – tập người dùng tài khoản ngân hàng và chấp nhận thanh toán trực tuyến.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân luôn kiểm tra kỹ hóa đơn chuyển khoản và chỉ thực hiện giao dịch sau khi chắc chắn đã nhận được số tiền vào ngân hàng đang sử dụng.
[…] chuyển từ trụ sở của Ngân hàng trung ương Nhật Bản với các biện pháp an ninh chặt chẽ, số tiền này được […]