Hãng vận chuyển Ninja Van dùng bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo

Estimated read time 5 min read
Ninja Van tích hợp bản đồ trên website của hãng nhưng thể hiện thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ninja Van – công ty vận chuyển thành lập tại Singapore có hoạt động ở Việt Nam, chủ yếu phục vụ nhu cầu giao nhận của các sàn thương mại điện tử trong nước và ở khu vực Đông Nam Á. Trên website chính thức của đơn vị, ở phần hỗ trợ tìm bưu cục, công ty tích hợp dịch vụ bản đồ của bên thứ ba để hiển thị các địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam cho người dùng, nhà bán gửi hàng. Tuy nhiên ở Biển Đông, bản đồ này không hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo ghi chú trên website Ninja Van, bản đồ này được cung cấp bởi Mapbox và OpenStreetMap, hai đơn vị kinh doanh dịch vụ bản đồ tích hợp trên website, ứng dụng, thiết bị phần cứng. Mapbox khẳng định đơn vị “cung cấp dữ liệu vị trí chính xác”, trong khi OpenStreetMap tuyên bố nền tảng này được xây dựng bởi cộng đồng người dùng bản đồ chuyên cung cấp chi tiết về các địa điểm, con phố… trên toàn cầu.

screenshot 2023 05 26 182351 tep cong nghe
Bản đồ do Ninja Van sử dụng không hiển thị đầy đủ thông tin về chủ quyền của Việt Nam

Trên bản đồ được Ninja Van sử dụng, vị trí của 2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam không được đánh dấu, chú thích tên. Khi phóng to bản đồ, nơi này chỉ là những điểm trắng, không có dữ liệu về địa hình hoặc bất kỳ thông tin nào liên quan.

Báo Thanh Niên đã liên hệ với đại diện phát ngôn của Ninja Van tại Việt Nam cũng như người phụ trách truyền thông thuộc trụ sở đặt tại Singapore nhưng không có phản hồi. Đến cuối ngày 26.5, hãng vẫn giữ im lặng và không có sự thay đổi nào ở phần bản đồ thiếu 2 quần đảo đã nêu.

Ninja Van không phải công ty đa quốc gia duy nhất đang hoạt động tại Việt Nam nhưng sử dụng dịch vụ bản đồ không thể hiện sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Ngày 25.5, một người tự nhận là nhân viên hãng điện tử TCL Việt Nam (đặt văn phòng tại TP.HCM) đăng lên mạng ảnh chụp bản đồ Việt Nam dán lên tường nhưng thiếu sự hiện diện của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. TCL sau đó lên tiếng đính chính trên fanpage chính thức ở Facebook nhưng nhanh chóng xóa đi ngay trong ngày.

Đầu tháng 4.2023, dịch vụ gọi xe công nghệ Grab cũng phải lên tiếng xin lỗi sau khi cộng đồng phát hiện hãng sử dụng bản đồ có thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam. Một ngày sau đó, hãng thời trang Yody cũng nhận không ít bình luận chỉ trích, đòi “tẩy chay” vì sử dụng bản đồ sai lệch chủ quyền Việt Nam. Cuối năm 2022, Apple đã phải chỉnh sửa lại nội dung trên ứng dụng bản đồ (Maps) tích hợp trên hệ điều hành iOS, iPadOS vì lỗi tương tự sau khi có yêu cầu từ Hà Nội.

(Thanh Niên)

1 Comment

Add yours

+ Leave a Comment