Một tài liệu giải mật của chính phủ Mỹ mới đây tiết lộ cơ quan tình báo nước này đã mua thông tin công dân, dấy lên lo ngại về quyền riêng tư.
Trang TechCrunch trích một tài liệu giải mật của chính phủ Mỹ nêu bật chi tiết các cơ quan tình báo trong nước đã mua số lượng lớn Thông tin thương mại khả dụng trên thị trường (CAI) thuộc về công dân Mỹ. CAI là thông tin được bán công khai, ai cũng có thể mua và thường có nhà môi giới đứng ra xử lý giao dịch.
Tuy nhiên, thông tin này vẫn làm dấy lên lo ngại về quyền công dân và tính riêng tư, cho thấy cần có chính sách và luật định chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân.
Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện một báo cáo ở cấp chính phủ xác nhận cơ quan tình báo Mỹ tăng mức độ phụ thuộc vào dạng thông tin như CAI. Dữ liệu này gồm chi tiết về phương tiện được kết nối, hoạt động duyệt web và smartphone, có thể mua từ rất nhiều nguồn khác nhau. Báo cáo được công bố bởi Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI), nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến việc chia sẻ và bán thông tin cá nhân của người Mỹ không được kiểm soát.
Tài liệu cũng nêu một số ví dụ về “các nhà môi giới” chào bán lượng lớn dữ liệu như Thomson Reuters CLEAR, LexisNexis, Exactis, hay PeekYou. Dữ liệu này thường được sử dụng trong ngành công nghiệp quảng cáo, nhưng không ai biết rõ người mua là ai hay thực sự dùng vào mục đích gì.
Báo cáo từ ODNI nhấn mạnh những tác động tiềm tàng đối với quyền riêng tư, quyền tự do dân sự do dữ liệu CAI bán rộng rãi. Theo Phone Arena, Washington đang thiếu luật bảo vệ quyền riêng tư hoặc dữ liệu nhằm giới hạn việc chia sẻ, mua báo thông tin của công dân Mỹ.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden đã yêu cầu giải mật báo cáo và bày tỏ quan ngại về cách chính phủ quản lý dữ liệu cá nhân. Ông cho rằng các chính sách hiện hành đã thất bại trong việc bảo vệ thông tin riêng tư của người Mỹ, cũng như thiếu sát sao trong việc quản lý các cơ quan chính phủ mua, sử dụng dữ liệu cá nhân.
Cũng theo báo cáo, CAI khi được bán ra với số lượng lớn có thể bị lợi dụng để xác định danh tính cá nhân của công dân. Ví dụ, vị trí thu được từ smartphone, đồng hồ thông minh hay các thiết bị khác có thể làm lộ nơi người dân sinh sống hay làm việc. Hay sử dụng dữ liệu thu được nhằm xác định một người có tham gia vào biểu tình, tụ tập hoặc bất kỳ hình thức nhóm chính trị nào, từ đó có cơ sở để chống lại họ.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng tiết lộ khả năng thông tin bị sử dụng sai mục đích, phục vụ cho hoạt động tống tiền, theo dõi, quấy rối hay bôi nhọ công khai.
[…] “Gmail vẫn hoạt động” sau khi nhiều người dùng hoang mang trước thông tin giả mạo về việc dịch vụ email này sắp bị đóng […]