Kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu (Data Center – DC) của Huawei tại Việt Nam có thể thành hiện thực khi thị trường đạt ngưỡng nhu cầu nhất định.
Trung tâm dữ liệu (DC) phục vụ cho nhu cầu của thời đại số đang là một trong những vấn đề được quan tâm ở mọi quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số. Theo báo cáo của JLL Việt Nam, thị trường DC trong nước hiện do các công ty công nghệ nội địa “thống trị” với những cái tên như VNPT, Viettel IDC, VNG, FPT Telecom, CMC Telecom…
Gần đây cũng bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế, trong đó mới nhất là Alibaba công bố kế hoạch thành lập DC tại Việt Nam. “Việc Google, Amazon, Microsoft, Tencent đầu tư trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian”, JLL đánh giá.
Trao đổi bên lề sự kiện New Horizon Business Summit 2024 diễn ra tại Hà Nội ngày 17 – 18.6, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc giải pháp Huawei Việt Nam đánh giá thị trường Việt Nam đang trong quá trình phát triển và “rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”. Tuy nhiên, việc triển khai một hệ thống DC cần rất nhiều chi phí cũng như các điều kiện khác.
Ông Đào Quang Vinh cho rằng quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, thị trường điện toán đám mây vì thế cũng đang đầy hứa hẹn, tăng trưởng theo từng năm. Vài năm gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp công nghệ lớn đều đầu tư mạnh cho hạ tầng tính toán. “Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ bùng nổ, theo nhiều góc độ khác nhau. Điều này có thể đến từ doanh số các puplic cloud (đám mây công cộng) hoặc dịch vụ on premise (giải pháp công nghệ hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ)”, ông Vinh chia sẻ.
Vị giám đốc cũng nhấn mạnh cơ sở hạ tầng đám mây thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công cho các doanh nghiệp, đồng thời việc dịch chuyển dữ liệu lên đám mây là chìa khóa để doanh nghiệp tạo ra sự tăng trưởng đột phá trên thị trường và đóng góp vào nền kinh tế số.
Riêng từ phía Huawei, vị này cho biết hiện vẫn trong quá trình đánh giá thị trường Việt Nam và khi nhu cầu đạt đến ngưỡng nhất định, “Huawei sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu”. Ngoài vấn đề chi phí và nhu cầu thị trường, sẽ còn phải đánh giá tới yếu tố địa điểm đặt DC để đảm bảo được các tiêu chuẩn toàn cầu của hãng trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu.
Tại Đông Nam Á, hiện Huawei đặt DC tại các quốc gia có nền kinh tế trung bình và phát triển gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. Ở quy mô khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), hãng hiện có hơn 40 trung tâm dữ liệu với công suất 20.000 tủ mạng.
Tại Việt Nam, dự báo các năm tới sẽ có sự bùng nổ về DC với quy mô dự kiến 1,27 tỉ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%. Tuy được đánh giá là thị trường tiềm năng về lĩnh vực, Việt Nam vẫn đi sau một số nước, trong đó Singapore có quy mô thị trường gấp 15 lần Việt Nam, Malaysia và Indonesia gấp 5 lần.
[…] tên Huawei Aito, dấy lên đồn đoán về tham vọng tự sản xuất xe điện của Huawei trước khi tập đoàn này nhấn mạnh vai trò cung […]
[…] Hồng Kông. Ngoài ra, các tuyến đất liền theo hướng qua Campuchia, Thái Lan đến Singapore cũng được sử dụng để san tải, đảm bảo lưu lượng và kết nối trong […]
[…] công nghệ này phát triển nhanh chóng, sẽ cần ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu để xây dựng và vận hành nó, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng đột […]
[…] của Google. Dựa trên không gian điện toán, Reuters cho biết các nhà điều hành trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Việt Nam hiện nay là Công ty đầu tư công nghiệp IDC Becamex và […]