Apple Intelligence: Công cụ cho sự lười biếng hay trợ lý trí tuệ thực sự?

Apple Intelligence: Công cụ cho sự lười biếng hay trợ lý trí tuệ thực sự?

Apple Intelligence, tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) mới được giới thiệu trên dòng iPhone 16 và các thiết bị khác của Apple, đang trở thành chủ đề gây tranh cãi sau loạt quảng cáo của hãng.

Mặc dù được quảng bá như một trợ lý giúp cải thiện hiệu suất công việc và hỗ trợ người dùng hàng ngày, cách Apple giới thiệu tính năng này lại khiến nhiều người, đặc biệt là giới công nghệ, đặt câu hỏi về mục đích thực sự của AI này. Trong một video bình luận, Cnet đã thẳng thắn đặt tiêu đề: Apple Intelligence chỉ dành cho mấy người ngu”, để phê phán cách vận dụng trí tuệ nhân tạo mà Apple thể hiện trong các đoạn quảng cáo.

apple intelligence cong cu luoi bieng

Khi AI là công cụ cho sự lười nhác

Trong video bình luận của mình, phóng viên Bridget Carey từ Cnet chỉ ra rằng những đoạn quảng cáo về Apple Intelligence thường xây dựng nhân vật chính theo mô-típ lười biếng, vô tâm, hoặc “vô tri”. Thay vì sử dụng AI để làm việc hiệu quả hơn, các nhân vật này lại dựa dẫm vào AI để che đậy sự thiếu sót của mình trong công việc hay cuộc sống cá nhân.

Một ví dụ điển hình là đoạn quảng cáo đặt bối cảnh tại văn phòng. Ở đây, nhân vật chính là một nhân viên gần như không làm gì suốt ngày ngoài những trò vô bổ, “giết thời gian”. Khi buộc phải gửi một email quan trọng, người này nhờ tới Apple Intelligence để viết lại nội dung cho trôi chảy, biến email thành một thông điệp ấn tượng.

Kết quả, người nhận email – một đồng nghiệp chăm chỉ – tỏ ra ngạc nhiên với thông điệp mà không hề biết rằng nó được viết bởi AI. Còn nhân vật chính thì tiếp tục trở lại những hành vi “vô tri” trong công sở, không chút nỗ lực cải thiện hiệu suất cá nhân.

Tình huống này, theo Cnet, phản ánh một cách nhìn phiến diện về cách công nghệ nên được sử dụng. Thay vì khuyến khích sự chủ động và sáng tạo, quảng cáo này lại thể hiện sự phụ thuộc hoàn toàn vào AI để “che giấu sự lười biếng”.

Apple Intelligence – trợ lý cho sự vô trách nhiệm?

Một ví dụ khác gây tranh cãi không kém là quảng cáo tính năng Apple Intelligence trên dòng máy tính Mac. Trong đoạn video, một người đàn ông mặc vest chỉnh tề xuất hiện tại một cuộc họp quan trọng. Khi được hỏi về bản cáo bạch, người này hoàn toàn không biết gì do chưa hề đọc qua. Ngay lập tức, anh rút ra khỏi phòng họp và sử dụng Apple Intelligence để tóm tắt nội dung tài liệu.

Sau vài phút, anh trở lại với dáng vẻ tự tin, đưa ra những nhận xét như thể mình đã nắm vững thông tin từ trước. Video kết thúc bằng nhạc nền cùng câu nói “I am Genius!” (Tôi là thiên tài).

Video của Cnet:

Đối với nhiều người xem, cách thể hiện này không chỉ làm giảm giá trị của sự chuẩn bị và kiến thức mà còn khuyến khích hành vi giả tạo trong môi trường làm việc. Bridget Carey thậm chí đặt câu hỏi: “Liệu Apple có đang coi khách hàng của mình là những kẻ ngốc, giả tạo với người khác rồi mua sản phẩm của Apple để ra vẻ thông minh?”

Khi sự giả tạo lấn át giá trị thực sự

Không chỉ trong công việc, các quảng cáo của Apple Intelligence còn chỉ ra các tình huống trong cuộc sống cá nhân mà AI được sử dụng để che đậy sự vô tâm. Một ví dụ nổi bật là đoạn quảng cáo về người vợ quên sinh nhật chồng. Trong lúc vội vàng, cô sử dụng Apple Intelligence để tổng hợp các hình ảnh từ điện thoại thành một video “cá nhân hóa”, khiến chồng tưởng rằng cô đã dành thời gian tự tay chuẩn bị món quà ý nghĩa.

apple intelligence cong cu luoi bieng 1

Một tình huống khác liên quan đến một cuộc gặp gỡ để bàn công việc quan trọng, nơi nhân vật chính không đọc trước email thông tin. Trong khi người đối diện đưa ra các câu hỏi, nhân vật này lén dùng AI để tra cứu nhanh, rồi trả lời như thể mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Những tình huống này, theo Cnet, tạo ra hình ảnh của một thế hệ người dùng lười nhác, ỷ lại vào công nghệ để duy trì vẻ ngoài thông minh và trách nhiệm mà họ không thực sự có.

Hệ quả của cách tiếp cận này

Cnet nhận định rằng, với cách Apple giới thiệu Apple Intelligence, công cụ này không chỉ khuyến khích sự phụ thuộc mà còn thúc đẩy hành vi giả tạo trong xã hội. Các đoạn quảng cáo thể hiện một thực tế đáng lo ngại: công nghệ AI có thể trở thành “lá chắn” cho sự thiếu trách nhiệm, vô tâm, và lười biếng.

Thay vì truyền cảm hứng cho người dùng về cách công nghệ có thể giúp tăng cường năng suất và sáng tạo, Apple lại tạo ra hình ảnh những con người dựa dẫm hoàn toàn vào AI, bất kể công việc hay cuộc sống cá nhân. Cnet cảnh báo rằng, nếu công nghệ tiếp tục được quảng bá theo cách này, nó có thể làm xói mòn những giá trị cốt lõi trong cả công việc lẫn đời sống.

Những tranh cãi xung quanh Apple Intelligence nhấn mạnh một thực tế rằng, công nghệ chỉ thực sự hữu ích khi được sử dụng đúng cách. Sự xuất hiện của các công cụ AI tiên tiến như Apple Intelligence cần được định hướng để trở thành một phần hỗ trợ cho sự sáng tạo và nỗ lực, thay vì trở thành “vũ khí” che giấu sự lười biếng hay giả tạo. Liệu Apple có thay đổi cách tiếp cận của mình trong tương lai hay không, vẫn là câu hỏi được nhiều người dùng và chuyên gia công nghệ quan tâm.

One thought on “Apple Intelligence: Công cụ cho sự lười biếng hay trợ lý trí tuệ thực sự?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *