Người dùng tung AI Sora tạo video của OpenAI lên mạng

Người dùng tung AI Sora tạo video của OpenAI lên mạng

Ngày 26/11, một nhóm nghệ sĩ từng được trải nghiệm sớm Sora, công cụ tạo video bằng AI của OpenAI, đã phát tán công cụ kèm tài khoản ra ngoài, cho phép bất kỳ ai cũng có thể sử dụng trên nền tảng Hugging Face.

Động thái này nhanh chóng bị OpenAI phản ứng bằng cách khóa quyền truy cập, nhưng không ngăn được làn sóng bất mãn từ phía các nghệ sĩ.

Nhóm 16 nghệ sĩ này đồng thời đăng một bức thư ngỏ với tiêu đề “Gửi các lãnh chúa AI”, tố cáo OpenAI “lợi dụng” công sức của hàng trăm nghệ sĩ mà không trả lương xứng đáng. Theo nội dung thư, những người tham gia thử nghiệm sớm đã trở thành “lao động không công” cho OpenAI, đóng góp qua việc kiểm tra lỗi, phản hồi, huấn luyện và thử nghiệm cho Sora.

Đổi lại, chỉ một số ít được trả một khoản chi phí mà nhóm cho là “bèo bọt” và “không tương xứng” với giá trị kinh tế khổng lồ mà công cụ mang lại cho OpenAI.

nguoi dung tung ai sora len mang

“Hàng trăm nghệ sĩ trở thành lao động không công cho OpenAI, công ty trị giá 150 tỷ USD,” thư viết. “Hầu hết đóng góp tác phẩm và công sức miễn phí, trong khi OpenAI thu về giá trị tiếp thị và độ tiếp cận công chúng lớn mà không phải trả công tương xứng.”

Ngoài ra, nhóm nghệ sĩ dùng Sora cũng cáo buộc OpenAI thiếu tôn trọng đối với chuyên môn sáng tạo. “Họ không coi chúng tôi là cộng sự hay đối tác sáng tạo, mà chỉ như nguyên liệu thô. Đây không phải là sự hợp tác, mà là sự khai thác,” thư nhấn mạnh.

Mặc dù không phản đối việc sử dụng AI trong nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ cho rằng chương trình “truy cập sớm” của OpenAI mang tính chiêu trò truyền thông nhiều hơn là cơ hội để thử nghiệm tự do. Theo họ, đây không phải là cách để phát triển một công cụ mang tính cách mạng.

OpenAI hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về sự việc này.

Sora được OpenAI giới thiệu từ tháng 2 năm nay, nhưng chỉ dành cho một nhóm nhỏ người dùng thử nghiệm. Công cụ này cho phép tạo video dài một phút dựa trên các câu lệnh mô tả. Tuy nhiên, công cụ cũng đối mặt với nhiều tranh cãi, đặc biệt là vấn đề bản quyền dữ liệu đào tạo. Khi được hỏi liệu nguồn dữ liệu của Sora có lấy từ YouTube hay không, cựu CTO OpenAI Mira Murati từ chối trả lời rõ ràng. CEO của YouTube cũng từng lên tiếng cho rằng việc sử dụng video của họ để đào tạo AI là một “vấn đề lớn” và không nên bị OpenAI lạm dụng.

Vụ việc phát tán Sora không chỉ khiến OpenAI gặp rắc rối về bảo mật mà còn đối mặt với những câu hỏi về đạo đức trong cách đối xử với cộng đồng nghệ sĩ. Những chỉ trích từ nhóm nghệ sĩ có thể làm dấy lên cuộc tranh luận rộng rãi hơn về mối quan hệ giữa công nghệ AI và sáng tạo nghệ thuật trong tương lai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *