Dùng muỗi đực mang nọc độc để kiểm soát muỗi cái

Dùng muỗi đực mang nọc độc để kiểm soát muỗi cái

Một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Macquarie (Australia) đang thử nghiệm kỹ thuật mới nhằm giảm số lượng muỗi truyền bệnh bằng cách đưa nọc độc nhện và hải quỳ vào muỗi đực.

Khi giao phối, muỗi đực sẽ truyền tinh dịch có chứa chất độc sang muỗi cái, khiến con cái mất khả năng sống lâu để hút máu và sinh sản.

Theo Guardian, phương pháp này đang được áp dụng trên loài muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết, Zika và nhiều virus khác. Nhóm nghiên cứu cho biết, thay vì cần phun lượng lớn thuốc diệt côn trùng có thể ảnh hưởng đến môi trường và các loài côn trùng có ích, ý tưởng sử dụng muỗi đực có nọc độc nhắm trực tiếp vào muỗi cái giúp giảm nhanh quần thể muỗi lây bệnh.

dung muoi duc kiem soat muoi cai

Sam Beach, tác giả nghiên cứu, cho biết kỹ thuật nói trên có thể chặn sớm các đợt bùng phát bệnh do muỗi. “Điều chúng tôi đang hướng tới là muỗi đực giao phối với muỗi cái, rồi con cái đó sẽ sớm chết sau đó,” ông giải thích. Beach cũng thừa nhận quá trình tạo ra “muỗi đực độc” đòi hỏi công đoạn sửa đổi gene mệt mỏi, do cần tiêm gene mới bằng kim cực nhỏ vào trứng muỗi ngay sau khi đẻ.

Trong vòng đời của muỗi, con cái hút máu và có thể sống vài tuần, qua đó lan truyền mầm bệnh. Con đực chỉ giao phối trong 24 – 48 giờ sau khi trưởng thành. Bằng cách rút ngắn tuổi thọ con cái nhờ tinh dịch nhiễm độc, tỷ lệ hút máu được cho là giảm 40 – 60%.

Trước đây, nhiều nghiên cứu sinh học gene áp dụng muỗi đực biến đổi để giảm cơ hội sinh sản của thế hệ sau, hoặc làm muỗi không còn khả năng truyền virus. Tuy nhiên, kỹ thuật “muỗi đực có nọc độc” trực tiếp tiêu diệt muỗi cái ngay sau khi thụ tinh được kỳ vọng đem lại hiệu quả tức thời hơn.

Tom Schmidt, nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Melbourne, nhận định phương pháp này rất hứa hẹn trong bối cảnh tình trạng kháng thuốc diệt côn trùng ngày càng trầm trọng trên thế giới. Muỗi kháng nhanh với hóa chất và lan truyền khả năng kháng cho quần thể rất rộng, đòi hỏi giải pháp khác an toàn và hữu hiệu hơn.

Dù vậy, các chuyên gia như giáo sư Philip Weinstein từ Đại học Adelaide khuyến cáo cần thận trọng để không xóa sổ hoàn toàn loài muỗi, bởi chúng có vai trò thụ phấn và cung cấp thức ăn cho nhiều loài cá, dơi. “Sức khỏe hệ sinh thái và sức khỏe con người luôn gắn bó chặt chẽ, nên tốt nhất là kiểm soát chứ không loại trừ muỗi,” ông nhấn mạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *