Smartphone trên toàn cầu đang đứng trước nguy cơ tăng giá trong thời gian tới khi Arm, công ty cung cấp kiến trúc chip hàng đầu thế giới, lên kế hoạch tăng đáng kể tỷ lệ tiền bản quyền.
Theo Reuters, Arm đặt mục tiêu tăng doanh thu hàng năm lên thêm 1 tỉ USD trong vòng 10 năm, dựa trên việc điều chỉnh chiến lược cấp phép công nghệ. Kế hoạch này được tiết lộ trong các tài liệu liên quan đến tranh chấp pháp lý giữa Arm và Qualcomm, liên quan đến quyền sử dụng công nghệ phát triển từ Nuvia để sản xuất chip Snapdragon X.
Dự kiến, tỷ lệ tiền bản quyền mà công ty yêu cầu từ các khách hàng lớn, bao gồm cả các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, có thể tăng tới 300%, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thông tin cho thấy Arm đã bắt đầu xem xét chiến lược này từ năm 2019, với mục tiêu củng cố vị thế và tăng lợi nhuận dài hạn.
Khoảng 3 năm trước, ban lãnh đạo Arm từng cân nhắc khả năng tự thiết kế và tham gia thị trường chip xử lý. Tuy nhiên, công ty đã quyết định tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lõi là cấp phép sử dụng kiến trúc chip cho các đối tác, thay vì sản xuất chip mang thương hiệu Arm. CEO Arm, ông Rene Haas, nhấn mạnh rằng các kế hoạch trước đó chỉ mang tính thử nghiệm và công ty không có ý định trở thành nhà cung cấp chip trực tiếp.

Trong quá trình thực hiện chiến lược mới, Arm đã có những cuộc đàm phán quan trọng với các khách hàng lớn, bao gồm Samsung và Qualcomm. Tháng 10.2022, ban lãnh đạo Arm và tập đoàn mẹ SoftBank đã thông báo với Samsung rằng giấy phép sản xuất chip của Qualcomm, tương thích với kiến trúc của Arm, sẽ hết hạn vào năm 2025.
Trước thông tin này, Samsung buộc phải liên hệ trực tiếp với Qualcomm để xác minh và nhận được phản hồi rằng giấy phép sẽ kéo dài đến năm 2033. Tuy nhiên, do những bất ổn về thông tin, Samsung đã quyết định giới hạn thỏa thuận cung cấp chip với Qualcomm xuống còn hai năm thay vì ba năm như thông lệ.
Dù kết quả ra sao, việc tăng phí bản quyền của Arm sẽ gây áp lực lớn lên các nhà sản xuất chip, buộc họ phải chịu thêm chi phí đáng kể. Cuối cùng, gánh nặng chi phí này có thể sẽ được chuyển sang các nhà sản xuất smartphone và người tiêu dùng, khiến giá thành của các thiết bị di động tăng cao hơn trong thời gian tới.