Việc lựa chọn giữa ổ cứng thể rắn (SSD) và ổ đĩa cứng (HDD) cho mục đích lưu trữ dài hạn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Mặc dù SSD có ưu điểm về tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh, nhưng đối với lưu trữ lâu dài, HDD vẫn là lựa chọn đáng tin cậy hơn do các yếu tố về tính ổn định, chi phí và khả năng lưu trữ.

SSD dễ bị mất dữ liệu khi lưu trữ ngoại tuyến
Một trong những hạn chế lớn nhất của SSD khi sử dụng để lưu trữ dài hạn là nguy cơ mất dữ liệu nếu không được cấp nguồn điện thường xuyên. SSD hoạt động dựa trên nguyên tắc lưu trữ điện trong các cell nhớ NAND, ngay cả khi thiết bị không được sử dụng. Tuy nhiên, theo thời gian, điện tích này có thể bị xả dần, dẫn đến nguy cơ mất dữ liệu nếu ổ không được kết nối nguồn trong thời gian dài.
Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ môi trường lưu trữ cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ dữ liệu của SSD. Ở nhiệt độ cao, tốc độ xả điện của SSD diễn ra nhanh hơn, làm tăng nguy cơ mất dữ liệu. Trong khi đó, HDD không gặp vấn đề này, miễn là ổ đĩa được bảo quản đúng cách, dữ liệu trên ổ HDD có thể tồn tại hàng chục năm mà không bị ảnh hưởng.
Chi phí lưu trữ trên SSD cao hơn HDD
Dù giá SSD đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn đắt hơn HDD tính trên mỗi gigabyte dung lượng lưu trữ. Một ổ SSD SATA 2,5 inch dung lượng 1 TB có giá khoảng 40 USD, trong khi ổ SSD M.2 NVMe cùng dung lượng có thể lên đến 100 USD. Trong khi đó, với số tiền này, người dùng có thể mua một ổ HDD dung lượng từ 8 TB đến 10 TB, giúp tối ưu hóa không gian lưu trữ hơn rất nhiều.

Đối với nhu cầu sao lưu dữ liệu lớn, HDD vẫn mang lại giá trị tốt hơn. Một số ổ HDD có dung lượng trên 20 TB, giúp lưu trữ nhiều dữ liệu hơn mà không cần sử dụng nhiều ổ đĩa. Trong khi đó, các ổ SSD dung lượng lớn hơn 4 TB vẫn còn hiếm và giá thành rất cao.
Ổ HDD có dấu hiệu cảnh báo khi hỏng, trong khi SSD có thể chết đột ngột
Mặc dù cả HDD và SSD đều có thể bị hỏng theo thời gian, nhưng HDD thường có dấu hiệu cảnh báo trước khi ngừng hoạt động, chẳng hạn như tiếng ồn bất thường hoặc tốc độ truy xuất chậm hơn. Điều này giúp người dùng có đủ thời gian để sao lưu dữ liệu trước khi xảy ra sự cố.
Ngược lại, SSD có thể hỏng đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước, khiến người dùng mất toàn bộ dữ liệu nếu không có biện pháp sao lưu phù hợp. Điều này làm tăng rủi ro khi sử dụng SSD cho việc lưu trữ dài hạn, đặc biệt là trong trường hợp dữ liệu quan trọng.
Lựa chọn hợp lý cho nhu cầu lưu trữ dài hạn
Dù SSD có lợi thế về tốc độ và hiệu suất, nhưng với nhu cầu lưu trữ dữ liệu dài hạn, HDD vẫn là lựa chọn tốt hơn nhờ vào khả năng bảo toàn dữ liệu, chi phí thấp hơn và dung lượng lớn hơn. Nếu cần sử dụng SSD để lưu trữ lâu dài, người dùng nên thường xuyên cấp nguồn và kiểm tra ổ để đảm bảo dữ liệu không bị mất theo thời gian.
One thought on “SSD hay HDD: Lựa chọn nào tốt hơn cho việc lưu trữ dữ liệu dài hạn?”