Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mới của Trung Quốc mang tên Manus ra mắt lập tức gây chú ý lớn trong cộng đồng công nghệ.
Truyền thông quốc tế nhanh chóng so sánh sự kiện này với “khoảnh khắc DeepSeek thứ hai”, nhấn mạnh tiềm năng làm thay đổi cục diện ngành AI thế giới của Manus.
Ngay sau khi xuất hiện, đoạn video giới thiệu Manus đăng tải trên nền tảng X đã thu hút hơn 200.000 lượt xem chỉ trong thời gian ngắn. Manus được nhà phát triển mô tả là “đối tác đa năng kết nối giữa tư duy và hành động”, không chỉ có khả năng trả lời câu hỏi, phân tích dữ liệu, mà còn tự lên kế hoạch và tự thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Khác biệt lớn nhất giúp Manus gây sốt trong cộng đồng công nghệ so với các công cụ AI như ChatGPT hay Gemini là khả năng hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần quá nhiều chỉ dẫn từ người dùng. Chẳng hạn, khi được cung cấp hồ sơ ứng tuyển của một nhóm ứng viên, Manus sẽ tự động đánh giá, phân tích kỹ năng từng ứng viên rồi xếp hạng và đưa ra đề xuất lựa chọn phù hợp trong tuyển dụng.
Một ví dụ khác được Manus giới thiệu là khi người dùng muốn tìm một nơi ở tại San Francisco, AI này sẽ tự động cung cấp danh sách căn hộ, thông tin an ninh khu vực, xu hướng giá thuê, thậm chí thống kê chi tiết về thời tiết, tỷ lệ tội phạm và chất lượng dịch vụ xung quanh khu vực.
Manus vận hành trên mô hình AI đa tác nhân (multi-agent), tức là có khả năng chia nhỏ các vấn đề phức tạp và phân phối cho từng bộ phận xử lý riêng biệt. Hệ thống này quản lý một mạng lưới các tác nhân phụ chuyên biệt, giúp giải quyết nhiệm vụ đa chiều, đảm bảo hiệu quả và tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn rất nhiều so với các AI truyền thống.
Công cụ AI này được phát triển bởi Butterfly AI, một startup công nghệ có trụ sở chính tại Bắc Kinh và California. Đội ngũ sáng lập Butterfly AI gồm nhiều nhân vật có tên tuổi lớn trong giới công nghệ Trung Quốc, nổi bật nhất là nhà khoa học trưởng Yichao Ji (hay còn gọi là “Peak”), kết hợp cùng Xiao Hong – một nhà khởi nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ngay sau khi ra mắt, video giới thiệu Manus trên nền tảng X đã trở nên viral, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ sau vài giờ. Tuy nhiên, Manus cũng gây ra không ít tranh cãi khi hệ thống chỉ hỗng trợ số lượng rất hạn chế người dùng. Một số người nhận định đây là chiến thuật marketing từ công ty phát triển để tạo hiệu ứng khan hiếm giả tạo.
Phản hồi về vấn đề này, Zhang Tao, đối tác sản phẩm của Manus, cho biết nhóm phát triển không dự đoán được sức hút quá lớn của thị trường và năng lực máy chủ ban đầu còn hạn chế. Theo ông Tao, Manus hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm mở rộng, công ty vẫn phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu lớn hơn từ cộng đồng.
Hiện tại, Manus đang thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ vì năng lực công nghệ vượt trội mà còn bởi chiến lược marketing khôn ngoan, hướng đến các nhiệm vụ AI có tính thực tế cao thay vì chỉ đơn thuần trả lời câu hỏi hoặc viết nội dung như các AI truyền thống. Giới phân tích đánh giá sự xuất hiện của Manus có thể thúc đẩy các hãng công nghệ lớn khác trên thế giới đẩy nhanh việc phát triển AI tự vận hành, nhằm không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua đầy cạnh tranh này.