Sự phát triển nhanh chóng của xe điện tại châu Âu đang mang lại hiệu quả rõ rệt trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Tổ chức Giao thông và Môi trường (T&E), lượng khí thải từ ngành giao thông tại khu vực này năm 2024 đạt khoảng 1,05 tỷ tấn CO₂, giảm 5% so với năm 2019. Một trong những yếu tố then chốt là sự gia tăng của đội xe điện – hiện đã vượt mốc 9 triệu chiếc – giúp tiết kiệm khoảng 20 triệu tấn CO₂, tương đương lượng phát thải của bảy nhà máy nhiệt điện than.
Đại diện T&E cho rằng các chính sách xanh của Liên minh châu Âu đang bắt đầu phát huy tác dụng. Việc áp dụng các biện pháp như khu vực phát thải cực thấp (ULEZ) tại một số thành phố đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí, với mức giảm 27% NO₂ và 31% bụi mịn PM2.5 chỉ sau một năm áp dụng.
Tại Việt Nam, những nỗ lực tương tự cũng đang được triển khai. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, một nửa phương tiện tại các đô thị lớn sẽ là xe điện, và đến 2050, toàn bộ phương tiện giao thông sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Quá trình chuyển đổi này được kỳ vọng sẽ giúp giảm 226 triệu tấn CO₂ vào giữa thế kỷ – tương đương 60% chỉ tiêu phát thải quốc gia.

Để hỗ trợ mục tiêu này, Việt Nam đã áp dụng chính sách miễn lệ phí trước bạ lần đầu cho ô tô điện trong giai đoạn 2022–2027. Thị trường ô tô điện cũng bắt đầu ghi nhận dấu hiệu tích cực. Năm 2024, gần 90.000 xe điện đã được bán ra, chiếm hơn 26% tổng doanh số ô tô, trong đó khoảng 75% thuộc về VinFast.
Ngoài phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng chạy điện cũng đang dần được đón nhận. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Q&Me cuối năm 2024, mức độ hài lòng của khách hàng với dịch vụ taxi điện Xanh SM đạt 83%, vượt cả Grab và Be. Xe điện không chỉ giúp giảm khí thải mà còn góp phần giảm ô nhiễm tiếng ồn – vấn đề nghiêm trọng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Với sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ, tiến bộ công nghệ và đầu tư vào hạ tầng, xe điện đang dần trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.