Dù chưa có kết luận chính thức về tác hại của sóng điện từ, việc giảm hấp thụ bức xạ từ thiết bị di động vẫn được nhiều người xem là cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
Tác động của sóng bức xạ điện từ, đặc biệt từ điện thoại di động, đến sức khỏe con người là chủ đề được tranh luận trong nhiều năm qua. Dù nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, giới khoa học vẫn chưa đạt được sự đồng thuận rõ ràng. Mức độ phát sóng của thiết bị thường được đánh giá qua chỉ số SAR (tỷ lệ hấp thụ riêng), đơn vị đo là W/kg. Giá trị càng cao đồng nghĩa thiết bị phát ra bức xạ càng mạnh.
Tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, mức SAR tối đa cho phép là 4 W/kg, trong khi tại Mỹ, con số này được giới hạn ở 1,6 W/kg theo khuyến nghị của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC). Năm 2023, Apple từng bị yêu cầu dừng bán iPhone 12 tại Pháp do vượt ngưỡng SAR cho phép. Hãng sau đó phải phát hành bản cập nhật phần mềm để giảm công suất phát sóng.

Tại Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT quy định mức SAR tối đa cho thiết bị cầm tay, đeo trên người là 2 W/kg ở vùng đầu và thân, và 4 W/kg ở các chi. Quy chuẩn này có hiệu lực với điện thoại di động từ tháng 7/2026 và mở rộng sang các thiết bị điện tử khác sau đó một năm.
Dù chưa ghi nhận trường hợp tổn hại sức khỏe cụ thể nào, việc giảm hấp thụ bức xạ vẫn được khuyến nghị, nhất là trong bối cảnh thiết bị di động ngày càng phổ biến. Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ) khuyên người dùng nên giữ điện thoại cách xa cơ thể khi không sử dụng, sử dụng tai nghe hoặc loa ngoài thay vì áp sát tai khi gọi, và hạn chế cầm máy trên tay khi không cần thiết để giảm hấp thụ bức xạ hấp thụ vào cơ thể.
Ngoài ra, không nên dùng điện thoại khi tín hiệu yếu hoặc đang di chuyển nhanh, vì đây là lúc thiết bị tăng công suất phát để duy trì kết nối. Người dùng cũng cần cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo giảm hấp thụ bức xạ không rõ nguồn gốc, vì một số thiết bị có thể khiến điện thoại phát mạnh hơn để bù lại tín hiệu yếu do bị che chắn, gây phản tác dụng.