Thay vì cúp máy và chặn cuộc gọi như thông thường, một số người đã chọn cách tương tác với kẻ lừa đảo qua điện thoại, sau đó ghi lại toàn bộ để đăng tải lên YouTube.
Việc này không chỉ cảnh báo cộng đồng về các hình thức lừa đảo phổ biến mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể từ lượt xem.
Ashton Bingham, sống tại Los Angeles, là một trong những người đầu tiên theo đuổi hình thức này sau khi nhận cuộc gọi mạo danh Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Ban đầu chỉ để giải trí, nhưng video ghi lại cuộc trò chuyện của anh nhanh chóng lan truyền, dẫn đến việc thành lập kênh YouTube Trilogy Media cùng bạn đồng hành Art Kulik.
Kênh này hiện có hơn 1,6 triệu lượt đăng ký và hơn 600 video, chuyên ghi lại các tình huống đối phó kẻ lừa đảo. Video nổi bật nhất đạt 5,6 triệu lượt xem, giúp kênh thu về từ 7.800 đến 125.000 USD mỗi năm, theo ước tính của SocialBlade.
Một nhà sáng tạo khác là Rosie Okumura, ca sĩ và diễn viên lồng tiếng, đã quay lại quá trình truy tìm kẻ lừa mẹ cô cài phần mềm độc hại và lấy 500 USD. Cô giả danh người nổi tiếng và “thao túng tâm lý” đối tượng, rồi chia sẻ trải nghiệm qua kênh IRLRosie, hiện có 1,6 triệu người đăng ký. Okumura chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, chủ yếu khiến kẻ lừa đảo mất thời gian, hạn chế gây hại cho người khác.

Hiện nay, nội dung “trò chuyện với kẻ lừa đảo” ngày càng phổ biến trên YouTube, với hàng loạt kênh có hàng triệu người theo dõi. Scammer Payback, kênh có hơn 8,1 triệu đăng ký, thường dùng giọng đọc và hình ảnh màn hình để minh họa, thay vì lộ mặt người thật. Kênh này từng hợp tác với công ty phần mềm AnyDesk để ngăn chặn hơn 2.000 tài khoản lừa đảo và có thể thu về 48.000 – 760.000 USD/năm.
Ngoài ra còn có kênh Jim Browning (4,4 triệu đăng ký), nổi bật với video “Gọi kẻ lừa đảo bằng tên thật”, đạt hơn 45 triệu lượt xem. Chủ kênh thường điều tra các công ty đứng sau tin nhắn giả mạo và virus.
Từ Ấn Độ, kênh Scambaiter với 2,7 triệu lượt đăng ký cũng thu hút sự chú ý. Nội dung của kênh chủ yếu xoay quanh việc phân tích các thủ đoạn kỹ thuật của các cuộc lừa đảo và từng gây sốt với video cho kẻ lừa đảo xem webcam của chính hắn.
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), người dân Mỹ đã thiệt hại hơn 12,5 tỷ USD do lừa đảo trực tuyến trong năm 2024, tăng 25% so với năm trước. Việc tận dụng các nền tảng video để vạch trần các thủ đoạn lừa đảo đang được xem là một hình thức cảnh báo hiệu quả, dù cũng gây ra tranh cãi về mức độ rủi ro khi tương tác trực tiếp với các đối tượng này.