Startup AI Trung Quốc thu hẹp tham vọng sau cú sốc từ DeepSeek

Startup AI Trung Quốc thu hẹp tham vọng sau cú sốc từ DeepSeek

Từ tham vọng vượt mặt Mỹ và tạo ra phiên bản OpenAI của riêng mình, nhiều startup AI Trung Quốc đang buộc phải thay đổi chiến lược sau khi không thể theo kịp mô hình DeepSeek R1.

Trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo toàn cầu đang tăng tốc, nhiều startup AI Trung Quốc từng đặt mục tiêu phát triển mô hình nền tảng quy mô lớn nay buộc phải từ bỏ tham vọng, rút lui khỏi cuộc đua xây dựng trí tuệ nhân tạo phổ quát. Nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực chi phí, hạn chế về dữ liệu và sức ép từ những đối thủ mạnh như DeepSeek.

Điển hình là Baichuan – một trong sáu công ty được ví như “6 con hổ” của ngành AI Trung Quốc – đã thay đổi định hướng nhân dịp kỷ niệm hai năm thành lập. Giám đốc điều hành Wang Xiaochuan tuyên bố cắt giảm các hoạt động không thiết yếu, chuyển hướng tập trung vào lĩnh vực y tế. Trước đó, công ty này từng đặt mục tiêu trở thành phiên bản Trung Quốc của OpenAI.

Zero One, một thành viên khác trong nhóm, do nhà đầu tư kỳ cựu Kai-Fu Lee sáng lập, cũng công bố chiến lược mới theo hướng “nhỏ mà tinh”, từ bỏ mục tiêu ban đầu là phát triển nền tảng AI 2.0 và theo đuổi AGI. Báo cáo từ Xpin nhận định đây là dấu hiệu cho thấy các start-up từng kỳ vọng thay đổi cục diện AI giờ đang điều chỉnh kỳ vọng để tìm cách tồn tại.

ai trung quoc thu hep tham vong 2

Sự chuyển hướng này phần lớn xuất phát từ sức ép thị trường và đặc biệt là sự xuất hiện của DeepSeek R1 – mô hình AI Trung Quốc ra mắt đầu năm nay. Theo chuyên gia Wang Wenguang, tác giả cuốn “Mô hình lớn biểu đồ tri thức”, chi phí huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) quá cao đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sớm từ bỏ lộ trình phát triển nội bộ. Khi DeepSeek công bố sản phẩm R1, phần lớn các công ty còn lại đều nhận ra họ không đủ khả năng cạnh tranh.

Từ đó, nhiều công ty đồng loạt thay đổi chiến lược: Baichuan và Zero One chuyển sang phát triển AI trong y tế, MiniMax từ bỏ thị trường nội địa để tập trung xuất khẩu sản phẩm tạo video ra thị trường nước ngoài, trong khi Zhipu AI, Moonshot AI và Character AI duy trì hoạt động trong cộng đồng mã nguồn mở nhưng chưa có sản phẩm nào vượt qua được DeepSeek R1.

Hiện tại, các startup AI Trung Quốc chủ yếu chuyển sang lĩnh vực dịch vụ phần mềm doanh nghiệp (B2B SaaS). Tuy nhiên, đây lại là phân khúc được đánh giá là ít sáng tạo nhất trong ngành trí tuệ nhân tạo. Wang Wenguang cho rằng chi phí xây dựng nền tảng huấn luyện LLM hiện không còn cao, khiến các mô hình dễ bị sao chép. Ông cho biết chỉ mất khoảng sáu tháng để tự phát triển một nền tảng tương tự, nhưng thị trường lại quá chật chội với hàng nghìn công cụ giống nhau, khiến mô hình khó tạo ra lợi nhuận lớn.

ai trung quoc thu hep tham vong 3

Dự báo tương lai ngành AI Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ còn một số ít doanh nghiệp lớn đủ nguồn lực để tiếp tục phát triển mô hình nền tảng. Theo Kai-Fu Lee, ba cái tên có khả năng trụ lại lâu dài là DeepSeek, Alibaba và ByteDance. Chuyên gia Jiang Shao cho rằng người dẫn đầu sẽ chiếm phần lớn thị phần, có thể từ 50 đến 80%, trong khi các doanh nghiệp còn lại sẽ cạnh tranh trong nhóm nhỏ với khoảng 10% thị phần.

DeepSeek hiện đang dẫn đầu nhờ sở hữu đội ngũ kỹ thuật mạnh, tầm nhìn lý tưởng và nguồn lực tài chính lớn. Theo Wang Wenguang, công ty AI Trung Quốc này hoàn toàn có thể mở rộng quy mô thương mại nếu lựa chọn hướng đi phù hợp. Trong khi đó, các chuyên gia tại Alibaba cho rằng yếu tố quan trọng nhất để tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài trong ngành AI không nằm ở mô hình mà là ở dữ liệu. Gao Peng, chuyên gia công nghệ của Alibaba, nhận định nếu ai cũng có quyền truy cập mô hình, thì yếu tố phân định thành bại nằm ở kho dữ liệu mà công ty sở hữu.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các startup AI Trung Quốc đang buộc phải lựa chọn giữa việc tiếp tục chạy đua với các công ty công nghệ lớn hay rút lui về những phân khúc ngách để tìm cơ hội tồn tại. Sự thay đổi chiến lược từ các công ty từng kỳ vọng tạo ra đột phá đang cho thấy những giới hạn thực tế của cuộc đua xây dựng trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *