Hai công dân Bỉ bị bắt tại Kenya vì buôn lậu kiến quý hiếm.
Hai thanh niên quốc tịch Bỉ, Lornoy David và Seppe Lodewijckx, đều 19 tuổi, vừa bị buộc tội buôn lậu động vật hoang dã tại Kenya sau khi bị phát hiện mang theo khoảng 5.000 con kiến trong 2.244 ống nghiệm. Vụ buôn lậu kiến bị phát giác hôm 5/4 tại một nhà nghỉ ở hạt Nakuru, khu vực có nhiều công viên quốc gia nổi tiếng.
Theo cơ quan Bảo tồn Động vật hoang dã Kenya (KWS), loài kiến bị thu giữ là Messor cephalotes – một loài kiến to, có màu đỏ đặc trưng và có nguồn gốc tại Đông Phi. Đây là loài có vai trò sinh thái quan trọng, thường được tìm thấy trong các hệ sinh thái khô cằn và bán khô cằn. Các nghi phạm bị cáo buộc vận chuyển số kiến này sang châu Âu và châu Á để bán, trong bối cảnh thị trường sưu tầm kiến đang phát triển ở một số quốc gia.
Giá trị lô kiến này được cơ quan chức năng Kenya ước tính khoảng 1 triệu shilling (tương đương 7.700 USD), tuy nhiên mức giá có thể dao động mạnh tùy theo loài và nhu cầu thị trường. Các ống nghiệm được nhồi bông gòn nhằm đảm bảo kiến có thể sống sót trong điều kiện bảo quản kéo dài.

Khi trình diện trước tòa tại Nairobi, cả hai thanh niên buôn lậu kiến tỏ ra suy sụp và khai rằng việc thu thập kiến chỉ nhằm mục đích giải trí, không biết hành vi này là phạm pháp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vụ việc này phản ánh một xu hướng mới trong ngành buôn bán động vật hoang dã – chuyển từ các loài động vật lớn dễ nhận diện sang những loài ít được chú ý hơn nhưng có giá trị sinh thái lớn.
Ông Philip Muruthi, Phó Chủ tịch phụ trách bảo tồn tại Quỹ Động vật hoang dã Châu Phi, cho biết kiến là một trong những loài góp phần làm giàu đất, hỗ trợ quá trình nảy mầm và cung cấp nguồn thức ăn cho các loài chim. Việc khai thác, buôn lậu kiến không kiểm soát có thể làm mất cân bằng hệ sinh thái và tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh khi các loài sinh vật ngoại lai được di chuyển không kiểm dịch giữa các quốc gia.
Theo tổ chức INTERPOL, buôn bán động vật hoang dã trái phép hiện là ngành buôn lậu phi pháp lớn thứ tư trên thế giới, chỉ đứng sau ma túy, vũ khí và buôn người, với giá trị lên đến 25 tỷ USD mỗi năm. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng hoạt động này thường gắn với các hình thức tội phạm có tổ chức như tài trợ khủng bố, rửa tiền và gian lận thương mại xuyên biên giới.

Kenya từ lâu là điểm nóng trong cuộc chiến chống lại buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và nhiều loài động vật quý hiếm khác. Tuy nhiên, vụ việc liên quan đến buôn lậu kiến cho thấy các đối tượng phạm pháp đang ngày càng linh hoạt và tinh vi hơn trong việc tìm kiếm nguồn lợi từ đa dạng sinh học. Điều này đặt ra yêu cầu mới cho các cơ quan bảo tồn trong việc giám sát, quản lý và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tất cả các loài trong hệ sinh thái, kể cả những loài nhỏ bé nhất.